Khi lãi suất giảm về 10%: bất động sản sẽ khởi sắc?
16/05/2012 08:10
Lãi suất giảm dưới 10%?
Thời gian đang trôi về giữa quý 2 năm 2012 với sự nóng ruột của hầu hết
giới chủ đầu tư bất động sản, trong khi giới đầu tư của lĩnh vực này vẫn
giữ nguyên cái nhìn hết sức thận trọng về thị trường.
Nhưng âm thầm và ẩn sâu bên trong của thị trường ấy, vẫn có một khí sắc khó tả mà có thể phát tác vào bất kỳ thời điểm nào.
Vào những ngày cận trung tuần tháng 5/2012, một thông tin bất ngờ xuất
hiện mà có thể khiến cho tình thế thay đổi nhanh chóng trong thời gian
tới. Theo một nguồn tin, tại đại hội cổ đông của Ngân hàng Eximbank ngày
11/5, thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình đã cho biết mặt bằng
lãi suất huy động sẽ được kéo giảm về dưới 10%.
Điều có thể rất đáng lưu tâm là lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức thống
đốc từ tháng 8/2011, ông Bình đã chủ động thông tin về dự kiến hạ lãi
suất một cách công khai và dễ dàng đến thế. Sự việc này xét ra cũng khá
trái ngược với “truyền thống” bảo mật tin tức của cơ quan Ngân hàng nhà
nước qua các đợt đưa trần lãi suất huy động về 14% vào tháng 9/2011, về
13% và 12% vào các tháng 3 và 4 năm 2012.
Có vẻ như xu thế hạ lãi suất là khá bền vững và khó có thể thay đổi
trong vài tháng tới đây. Cần nhắc lại là chỉ mới đầu tháng 5/2012, Ngân
hàng nhà nước cũng bất ngờ tung ra con bài chủ chốt của mình - áp trần
lãi suất cho vay ở mức 15% bằng Thông tư số 14, qua đó chính thức xác
nhận xu hướng tăng cung tín dụng, hay nói cách khác là xu hướng nới lỏng
tín dụng cho nền kinh tế nói chung và các thị trường nói riêng.
Một yếu tố khác đáng lưu ý là thông tin giảm lãi suất huy động về dưới
10% xuất hiện chỉ hai ngày sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức
ký ban hành Nghị quyết số 13 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho
sản xuất kinh doanh và hỗ trợ cho các thị trường. Nếu có thể nhấn mạnh
thì trong bản nghị quyết này, vấn đề tiền sử dụng đất của đối tượng
doanh nghiệp khó khăn đã được giãn thời hạn nộp tối đa là 12 tháng.
Trước đó, một tính toán của Bộ Tài chính đã ước tính số tiền giãn thuế
như thế vào khoảng 64.000 tỷ đồng. Cũng vì thế, nếu trong tương lai gần
giải pháp này được thực thi tại các tỉnh thành, đặc biệt là hai thành
phố chất chứa nhiều bất động sản nhất là Hà Nội và TP.HCM, thị trường
bất động sản sẽ có cơ hội để tự giải tỏa một áp lực đáng kể đối với giới
doanh nghiệp kinh doanh nhà đất.
Cùng với con số 64.000 tỷ đồng trên, nếu như cuộc khủng hoảng về lãi
suất cũng được giải quyết theo đúng kịch bản của Ngân hàng nhà nước, hệ
quả nào sẽ diễn ra?
Sẽ chuyển động?
Nhìn nhận khách quan, thị trường bất động sản ở cả hai miền Nam - Bắc
vào thời gian này vẫn chưa có một chuyển biến đáng kể nào, nếu không nói
là còn trầm lắng hơn cả thời điểm tháng 3/2012 - khi trần lãi suất huy
động lần đầu tiên được thực hạ. Tại Hà Nội, bất chấp cố gắng của các
nhóm đầu cơ và nhà đầu tư thứ cấp đang bị “kẹp hàng”, cả hai khu vực
phía Tây và phía Đông của Thủ đô vẫn không tạo nên được cú xoay chuyển
tình thế nào, ít nhất cũng thể hiện ở khía cạnh giao dịch vẫn là một
hằng số nhỏ nhoi.
Trong bối cảnh đó, phân khúc căn hộ lại bị thêm một tảng băng khổng lồ
đè lên, khi người lãnh đạo của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bất chợt đưa
ra tuyên bố sẽ giảm giá căn hộ đến 50% tại vài dự án ở khu Nam TP.HCM.
Dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhưng thị trường căn hộ ở Hà Nội cũng
ngay lập tức phản ứng tiêu cực với thông tin đó, khiến cho hàng loạt
giao dịch nhà đất sắp thành công bỗng trở nên vô nghĩa.
Tuy vậy, điều có vẻ rất khó hiểu là động thái giảm giá của ông Đoàn
Nguyên Đức lại chỉ diễn ra sau hai lần hạ lãi suất huy động và một lần
áp trần lãi suất cho vay của Ngân hàng nhà nước. Ấn tượng hơn, động thái
đó cũng diễn ra sau khi Ngân hàng nhà nước chính thức phát đi thông
điệp giải cứu bất động sản - thông qua công văn số 2056 ngày 10/4/2012.
Bởi cứ theo tinh thần của công văn này, nhiều dự án xây dựng căn hộ
trung cấp và cao cấp, trong đó có những dự án của Hoàng Anh Gia Lai, sẽ
được xem xét đảo nợ, thậm chí có thể được vay thêm vốn cho tới lúc hoàn
tất công trình mà không ấn định thời hạn cuối cùng là cuối năm 2012 này.
Khó có thể cho rằng động tác giảm giá căn hộ của Hoàng Anh Gia Lai là
không có ẩn ý nào. Nếu quả thực tập đoàn này cần đến một biện pháp tình
thế như vậy thì làm sao con số gần 3.000 tỷ đồng tiền mặt dư thừa, như
ông Đoàn Nguyên Đức vẫn khẳng định là có sẵn, còn ý nghĩa nào nữa? Còn
nếu thực lực của Hoàng Anh Gia Lai vẫn mạnh mẽ như ông Đức thuyết minh
với báo chí vào tuần trước, động cơ nào đã khiến cho nhân vật này phải
đưa ra quyết định bán phá giá, trong bối cảnh mà những điều kiện ủng hộ
thị trường bất dộng sản đang hình thành một cách khá cấp tập?
Nhưng ở một mặt khác, tác động từ chủ trương giảm giá của Hoàng Anh Gia
Lai lại có vẻ không ngăn cản được không khí tìm hiểu bất động sản giá rẻ
trên thị trường. Vào cuối tuần trước, cùng lúc xuất hiện thông tin lãi
suất huy động có thể giảm tiếp và giảm mạnh, một số văn phòng môi giới
cũng ghi nhận số khách hàng quan tâm đến phân khúc đất nền có tăng lên.
Nhìn rộng hơn, thị trường bất động sản Mỹ đang ghi nhận 5 bang có lượng
giao dịch tăng khá mạnh trong vài tháng qua. Không chỉ thế, mặt bằng giá
nhà tại 5 bang này cũng tăng khá khả quan, có bang tăng tới 30%. Sau
gần 5 năm chìm đắm trong cơn khủng hoảng và suy thoái hậu khủng hoảng
kinh tế, giờ đây thị trường bất động sản Mỹ đang có chiều hướng nối gót
đà phục hồi của các thị trường nhà đất ở London, Paris và Berlin.
Cũng tương đồng với xu thế vận động của thị trường bất động sản Mỹ, mảng
thị trường này ở Việt Nam đã đóng băng với thời gian khoảng bốn năm
rưỡi, đặc biệt với xu thế kéo ngang từ đầu năm 2009 đến nay tại khu vực
TP.HCM.
Và cho đến lúc này, dù không có gói kích cầu như năm 2009, nhưng nền
kinh tế đã có dấu hiệu chạm đáy, kéo theo một loạt biện pháp hỗ trợ được
thể hiện trong Nghị quyết 13 của Chính phủ. Liệu thị trường bất động
sản Việt Nam có tận dụng được những điều kiện ưu ái như thế để hồi phục?
Việt Thắng – DiaOcOnline.vn